Bước tới nội dung

Báo miễn phí

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia

Đây là một phiên bản cũ của trang này, do Nguyễn Đăng Tráng (thảo luận | đóng góp) sửa đổi vào lúc 07:58, ngày 14 tháng 8 năm 2023. Địa chỉ URL hiện tại là một liên kết vĩnh viễn đến phiên bản này của trang, có thể khác biệt rất nhiều so với phiên bản hiện hành.

Báo miễn phí đã có từ lâu trên thế giới, nó được phát miễn phí cùng các tờ báo khác tại những vị trí trung tâm của các thành phố như tàu điện ngầm, nhà ga, bến xe, bến tàu, nhà hàng..., hoặc thông qua hình thức phát tận nhà. Nguồn thu của những tờ báo miễn phí này đến từ các trang Quảng cáo.

Nguồn gốc trên thế giới

Trong năm 1885, tờ General-Anzeiger für Lübeck und Umgebung (Đức) đã được khai trương. Được thành lập vào năm 1882 bởi Charles Coleman (1852-1936), người gốc Scotland, đây là tờ báo quảng cáo phát hành 2 lần một tuần ở thị trấn Bắc Đức Lübeck, đến năm 1885 trở thành nhật báo. Ban đầu General-Anzeiger für Lübeck có một mô hình hỗn hợp, được đem đến các nhà với giá 60 xu Đức (Pfennig) trong thời gian ba tháng. Không rõ việc phân phối báo miễn phí kết thúc khi nào. Các trang web của công ty tuyên bố rằng số lượng báo 'bán' được vào năm 1887 là 5.000; năm 1890 tổng lưu hành là 12.800 tờ.

Năm 1906 tờ Manly Daily của Úc ra đời. Tờ báo này được phân phối trên chiếc phà đi Sydney và hiện là tờ nhật báo cộng đồng sở hữu bởi News Ltd. Rupert Murdoch

Năm 1984, tờ Birmingham Daily News đã được ra đời ở Birmingham, Anh. Nó được phân phối miễn phí trên các ngày trong tuần đến 300.000 hộ gia đình ở West Midlands và là ấn phẩm đầu tiên ở châu Âu.[1] [2] Tờ báo đã có lợi nhuận cho đến đợt suy thoái kinh tế năm 1990, khi nó được chủ sở hữu là Reed Elsevier chuyển đổi thành một tờ báo tuần. Đến năm 1992, một số tờ báo địa phương có thu phí ở Vương quốc Anh, chẳng hạn như Walsall Observer, đã bị đóng cửa và chuyển đổi sang báo miễn phí (còn được gọi là "freesheets"). [3]

Năm 1995, cùng năm với sự ra đời của tờ Palo Alto Daily NewsMetro bắt đầu phát hành tờ nhật báo miễn phí đầu tiên phân phối thông qua các phương tiện giao thông công cộng ở Stockholm, Thụy Điển. Sau đó, Metro phát hành báo miễn phí tại nhiều nước châu Âu và các nước khác. Tại Anh, Daily MailGeneral Trust  tung ra phiên bản riêng của Metro ở London vào năm 1999, đánh bại một cách hiệu quả Metro International tại thị trường London. Tờ báo này hiện có 13 phiên bản trên toàn quốc và có số lượng độc giả là 1,7 triệu.

Theo dõi lịch sử của báo miễn phí tại Mỹ, từ những năm 1940, nhà xuất bản Dean Lesher ở thành phố Walnut Creek (California) đã xuất bản tờ  nhật báo được nhiều người tin là miễn phí đầu tiên, hiện giờ là tờ Contra Costa Times. Trong những năm 1960, ông đã chuyển đổi tờ báo này và ba tờ khác trong vùng thành báo có thu phí.

Trong đầu những năm 1970, ở Boulder (Colorado), Hội đồng quản trị Đại học Colorado đã đuổi ra khỏi trường những sinh viên thực hiện tờ Colorado Daily vì xã luận chống lại chiến tranh Việt Nam. Hội đồng quản trị hy vọng tờ báo sẽ chết, thế nhưng nó bắt đầu tập trung vào cộng đồng như một tờ báo khổ nhỏ được xuất bản năm ngày một tuần.

Trong vài thập kỷ tiếp theo, một số tờ nhật báo miễn phí được ra đời ở Colorado. Không phải ngẫu nhiên, hầu hết các tờ báo đó đều do các sinh viên tốt nghiệp Đại học tổng hợp Colorado khởi xướng. Các tờ nhật báo miễn phí được ra đời ở Aspen (1979, 1988), Vail (1981), Breckenridge (1990), Glenwood Springs (1990); Grand Junction (1995); Steamboat Springs (năm 1990);và Telluride (1991).

Năm 1995, những người sáng lập của tờ nhật báo miễn phí ở Aspen và Vail hợp tác để khai trương tờ Palo Alto Daily News tại Palo Alto (California), một thành phố cách San Francisco 20 dặm về phía nam. Tờ báo ở Palo Alto có lợi nhuận trong vòng chín tháng từ khi khai trương và thường có hơn 100 quảng cáo (không phân loại) mỗi ngày.

Mô hình "Palo Alto Daily News" đã được sao chép một số lần qua nhiều năm, trong đó có bốn ấn phẩm của vùng vịnh San Francisco: San Francisco Examiner, San Mateo Daily Journal,  Berkeley Daily Planet (ra đời năm 1999, tạm dừng vào năm 2001 và đã được mở trở lại như một tờ báo phát hành hai lần một tuần bởi chủ sở hữu mới trong năm 2004) và Contra Costa Examiner (ra đời và đóng cửa vào năm 2004).

Các nhà xuất bản của Palo Alto Daily News (Dave Price - biên tập viên sáng lập của tờ báo ngày Aspen Times, và Jim Pavelich - người sáng lập Vail Daily) đã khai trương các tờ nhật báo miễn phí thành công ở San Mateo (California) năm 2000, Redwood City (California) năm 2000, Burlingame (California) năm 2000, Los Gatos (California) năm 2002, Denver (Colorado) năm 2002, và Berkeley (California) năm 2006. Mỗi tờ báo đó đều có cái tên "Daily News" đi kèm với tên của thành phố ở phía trước, chằng hạn như Denver Daily News.

Theo mô hình Palo Alto Daily News, báo được chuyển đến những nơi công cộng như quán cà phê, nhà hàng, cửa hàng, phòng tập thể dục, trường học, công ty, và máy bán báo tự động. Price và Pavelich đã không đưa các nội dung của các tờ báo của họ lên trực tuyến, vì điều đó sẽ làm giảm lượng độc giả của báo in, và do đó làm giảm hiệu quả của quảng cáo in ấn của họ. Trong khi các quảng cáo có thể được đặt trên các trang web, nó lại không hiệu quả cho khách hàng như quảng cáo in ấn. Họ nói rằng nếu họ tìm thấy một ví dụ của một tờ báo tạo ra được lợi nhuận trên trang web của mình, họ sẽ sao chép cách tiếp cận đó.

Nhật báo miễn phí ngày nay

Trong vòng chưa đầy 10 năm, các tờ nhật báo miễn phí đã được phổ biến tại hầu hết các nước châu Âu và một số thị trường ở Hoa Kỳ, Canada, Nam Mỹ, Úc và châu Á. Tính đến năm 2008, báo miễn phí có mặt ở 58 quốc gia (tại Đức và Nhật báo hàng ngày miễn phí đã không còn tồn tại). Dẫn đầu thị trường là Metro với 7 triệu bản mỗi ngày, trong khi các công ty khác phát hành 14 triệu bản. 22 triệu bản báo này được đọc bởi ít nhất 45 triệu người mỗi ngày. Trên thế giới, hiện nay có hơn 44 triệu bản báo được phân phối miễn phí mỗi ngày (tăng từ 24 triệu vào năm 2005). châu Âu chiếm đại đa số các tờ nhật báo miễn phí với 28,5 triệu bản, các nước châu Mỹ là 6,8 triệu bản và châu Á / Thái Bình Dương / châu Phi đạt 8,6 triệu bản.

Các doanh nhân

Từ năm 2000, nhiều tờ nhật báo miễn phí đã được triển khai bao gồm ba tại Hồng Kông và ba ở Vancouver, BC. Bên cạnh Metro, một nhà xuất bản thành công là Schibsted (Na Uy). Tại Thụy Sĩ, Tây Ban Nha và Pháp, Schibsted đã xuất bản tờ 20 phút, cái tên chỉ ra thời gian mọi người cần phải đọc nó. Schibsted cũng đã có một số thất bại. Phiên bản tiếng Đức đã bị đình bản sau một cuộc chiến báo chí gay gắt với các nhà xuất bản địa phương ở Cologne, trong khi phiên bản tiếng Ý đã không xuất hiện trên các đường phố vì những vấn đề pháp lý (các công ty không nằm trong EU không thể kiểm soát các doanh nghiệp truyền thông Ý, nhưng điều này không ngăn cản thị trường Ý khỏi bị ngập lụt với báo miễn phí). Các ấn phẩm của Schibsted có tổng số 1,7 triệu bản.

Trong tháng 3 năm 2006 cựu Tổng biên tập Jeramy Gordon của Palo Alto Daily News  tung ra tờ Santa Barbara Daily Sound ở Santa Barbara (California). Chưa đầy hai tháng sau đó, nhà báo Dave Price và Jim Pavelich ra mắt tờ San Francisco Daily, đến năm 2008 đổi thành Palo Alto Daily Post, đồng thời chuyển văn phòng từ San Francisco về Palo Alto.

Cuộc chiến pháp lý

Trong hầu hết các thị trường châu Âu, nơi báo miễn phí được triển khai đã có các vụ kiện về mọi mặt có thể, từ cạnh tranh không lành mạnh đến vứt rác bừa bãi, từ quyền lấy tên Metro đến tranh cãi về quyền được phân phối thông qua giao thông công cộng. Đây không phải là cách thức duy nhất để phân phối báo miễn phí, các hình thức khác cũng được sử dụng: đặt các kệ báo ở những nơi đông người như các trung tâm mua sắm, các trường đại học, nhà hàng (McDonald), và bệnh viện; hoặc phát bằng tay trên các đường phố, bên ngoài nhà ga bến tàu, hoặc phát tận cửa nhà.

Tại Hoa Kỳ, các chủ sở hữu của The Philadelphia Inquirer, Philadelphia Daily News và The New York Times đã kiện Southeastern Pennsylvania Transportation Authority (SEPTA) bởi một thỏa thuận độc quyền mà cơ quan này đã thực hiện với Metro để phân phối các tờ báo của Metro trên các chuyến tàu công cộng do cơ quan này quản lý. Metro đã thắng kiện nhưng lại thua trong cuộc chiến tranh báo chí, tờ nhật báo miễn phí đã đấu tranh để giành chiến thắng các nhà quảng cáo.

Cuộc chiến tranh báo chí

Các tờ báo miễn phí không chỉ gặp phải vấn đề duy nhất ở cuộc chiến báo chí và pháp lý ở Cologne. Tại Paris, những người phân phối báo miễn phí đã bị tấn công, các tờ báo đã bị phá hủy và đốt cháy. Tuy nhiên cuộc chiến tranh báo chí phổ biến nhất vẫn là cuộc đụng độ giữa các nhà xuất bản, hay chính xác hơn là giữa các nhà xuất bản địa phương và các doanh nhân như ở Cologne. Ở nhiều thành phố, các nhà xuất bản đã biến thị trường vốn đang yên tĩnh trong nhiều thập kỷ thành một bãi chiến trường. Các nhà xuất bản địa phương hiện đang chiếm gần một nửa trong tổng số lưu hành của các tờ báo hàng ngày miễn phí. Họ được độc quyền tại Bỉ, Anh, Singapore, Melbourne, Áo, Argentina và Iceland. Tuy nhiên, tại các thị trường khác (Pháp, Thụy Sĩ, Hà Lan, Hàn Quốc, Đan Mạch, Phần Lan, Ý, Mỹ) các nhà xuất bản địa phương cũng có một thị phần đáng kể. Ở một số thị trường tại Pháp và Ý, ba nhà xuất bản đang cạnh tranh nhau; ở Seoul có sáu đầu báo trong tháng 10 năm 2004. Có 3 tờ nhật báo miễn phí ở London.

Chiến lược Internet 

Price và Pavelich có một cái nhìn hoàn toàn khác về Internet so với các nhà xuất bản nhật báo miễn phí. Trong khi hầu hết các nhà xuất bản nhật báo miễn phí đưa những tin bài và/hoặc các trang PDF của họ trực tuyến trên Internet, những nhà sáng lập mô hình Palo Alto Daily News  đã từ chối đưa nội dung của mình lên Internet. Họ lập luận rằng đăng trực tuyến các tin bài của họ lên Internet sẽ làm giảm nhu cầu đối với báo in, và cũng sẽ làm giảm hiệu quả của quảng cáo trên báo giấy. Họ lưu ý rằng độc giả sẽ bỏ đăng ký mua báo vì có thể đọc những tin bài đó trực tuyến, và những tờ báo sẽ lkiếm tiền trên trang web ít hơn trên báo in.

Báo miễn phí tại Việt Nam

Tờ báo miến phí đầu tiên tại Việt Nam mang tên Thế giới thương mại - tuần báo của báo Thương mại - được phát hành vào tháng 6 năm 2006[cần dẫn nguồn] với số lượng phát hành khoảng 20.000 bản mỗi tuần. Thế giới thương mại đưa đến cho độc giả cả nước những thông tin kinh tế, xã hội, giải trí và nhiều tin tức cập nhật khác. Ngoài báo in, Thế giới thương mại còn có phiên bản báo điện tử. (hiện không còn hoạt động). Tháng 7/2015, Tuần báo Ngày Nay (tên tiếng Anh: Vietnam Today) được cấp phép thành lập. Tiền thân là Tạp chí Ngày Nay, trực thuộc Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, được thành lập năm 2002. phát hành hàng tháng. Số đầu tiên của Tuần báo Ngày Nay (bộ mới) được phát hành vào ngày 1/11/2015. Đây cũng được coi là tờ báo miễn phí duy nhất ở Việt Nam cho đến thời điểm hiện nay.[4]

Tham khảo

  1. ^ “History of British Newspapers”. Bản gốc lưu trữ ngày 25 tháng 3 năm 2008. Truy cập ngày 28 tháng 11 năm 2015.
  2. ^ “Birmingham reunion planned”. Bản gốc lưu trữ ngày 28 tháng 9 năm 2007. Truy cập ngày 28 tháng 11 năm 2015.
  3. ^ Denver, D.T. & Hands, Gordon. Modern constituency electioneering: local campaigning in the 1992 general election. Routledge, 1997; p. 169
  4. ^ “Báo Ngày Nay - tờ báo miễn phí duy nhất ở Việt Nam”.