Bình Tuy
Bình Tuy là một tỉnh cũ thuộc Duyên hải Đông Nam Bộ Việt Nam, tồn tại dưới thời Việt Nam Cộng hòa. Nay là một phần của tỉnh Bình Thuận.
Địa lý
[sửa | sửa mã nguồn]Tỉnh Bình Tuy có vị trí địa lý:
- Phía bắc giáp tỉnh Lâm Đồng
- Phía đông giáp tỉnh Bình Thuận
- Phía nam giáp Biển Đông
- Phía tây giáp tỉnh Long Khánh và tỉnh Phước Tuy.
Diện tích 3.560 km². Tỉnh lỵ là Hàm Tân (nay thuộc địa bàn thị xã La Gi) gần bờ biển phía nam, cách thành phố Sài Gòn 183 km về hướng đông.
Dân cư
[sửa | sửa mã nguồn]Dân tộc sinh sống đông nhất ở đây là người Kinh, kế đó đến người Raglai và người Chăm. Các tôn giáo chính tại đây là đạo Thiên Chúa, đạo Phật, đạo Tin Lành, thờ cúng ông bà.
Dân số tỉnh Bình Tuy tính đến năm 1971 là 74.315 người.
Địa hình
[sửa | sửa mã nguồn]Phía đông bắc tỉnh nhiều rừng núi, các ngọn núi đáng kể là núi M'Hai 1.642 m, núi B'Nom Dan Lu 1.339 m, núi Pacam 1.205 m, núi Nam Hu 1.186 m, núi B'Nom Pang Ko 734 m.
Ở giữa tỉnh gần Tánh Linh có núi Ông cao 1.302 m, núi Đen cao 507 m.
Phía tây và phía nam có những ngọn núi thấp như: núi La A 332 m, núi Dinh (Djinh) 295 m, núi Hok 157 m, núi Giang Cò 352 m, núi Bà 871 m, núi Ky 736 m, núi Đất 166 m, núi Nhọn 570 m, núi Tà Cú 666 m.
Khí hậu
[sửa | sửa mã nguồn]Khí hậu Bình Tuy giống Bình Thuận, không chênh lệch nhiệt quá lớn. Mùa mưa từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 11, mùa khô từ cuối tháng 11 đến giữa tháng 4.
Sông ngòi
[sửa | sửa mã nguồn]Sông La Ngà là sông chính của tỉnh, chảy từ Lâm Đồng xuống Bình Tuy theo hướng bắc-nam, đi ngang qua quận Tánh Linh, rồi vào địa phận quận Hoài Đức và chảy dọc theo ranh giới với tỉnh Long Khánh, sau đó chảy qua phía bắc Long Khánh để nhập vào sông Đồng Nai. Các chi lưu quan trọng của sông La Ngà là sông Da Rgna, Da R'Gnao và sông Các. Ngoài ra, Bình Tuy còn các sông khác ở phía đông và nam là sông Kabat, sông Phan, sông Dinh, sông Giêng, sông Gia Ót, sông Cỏ Chi, sông Cô Kiều. Và một số suối lớn như suối Vàng, suối Kiết, suối Tre. Ở Hiệp Hòa có suối nước nóng trên 70 °C.
Lịch sử
[sửa | sửa mã nguồn]Địa bàn tỉnh Bình Tuy cũ hiện nay tương ứng với thị xã La Gi, các huyện Hàm Tân, Tánh Linh, Đức Linh, một phần các huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc cùng thuộc tỉnh Bình Thuận ngày nay. Như vậy, địa bàn tỉnh Bình Tuy cũ trở thành khu vực thuộc Nam Trung Bộ.
Bình Tuy là một trong 22 tỉnh của Nam Phần được chính quyền Việt Nam Cộng hòa thiết lập theo Sắc lệnh 143-NV của Tổng thống ngày 22 tháng 9 năm 1955. Đất đai Bình Tuy lấy từ một phần tỉnh Đồng Nai Thượng, và vùng Hàm Tân, Hàm Thuận, Tánh Linh của tỉnh Bình Thuận. Tỉnh lỵ đặt tại Hàm Tân (nay là thị xã La Gi).
Năm 1957, tỉnh Bình Tuy có 3 quận:
- Quận Hàm Tân có 4 xã; quận lỵ: Phước Hội, sau dời về Tam Tân (nay thuộc xã Tân Hải)
- Quận Tánh Linh có tổng La Ngà (4 xã) và 4 xã độc lập; quận lỵ: Lạc Tánh.
- Quận Bình Lâm có 5 tổng (gồm nhiều thôn, không có xã): Ma Blao, R'Da (Va Pro), Rda, Tala, Quyeon; quận lỵ: Bsa Da Houai.
Sau quận Bình Lâm đổi thành quận Hoài Đức, quận lị ở Bắc Ruộng, sau dời về Võ Đắc.
Từ 1976, tỉnh sáp nhập với Ninh Thuận và Bình Thuận thành tỉnh Thuận Hải.
Ngày 26 tháng 12 năm 1991, Thuận Hải lại được tách thành hai tỉnh là Bình Thuận và Ninh Thuận.
Kinh tế
[sửa | sửa mã nguồn]Ruộng lúa phần lớn có tại vùng đồng bằng phía tây-nam, các hoa màu phụ là ngô, khoai lang, sắn, đậu phụng, vừng, mía.... Vùng Hoài Đức và Tánh Linh trồng nhiều mía. Mía Trà Tân nổi tiếng. Tỉnh có nhiều rừng với các loại gỗ quý như: gõ, hoàng đàn, trắc, cẩm lai, lá buông và nhiều rừng dầu có cây rất to. Lá buông là được dùng để lợp nhà, dệt đệm, dệt buồm, chắn phên, đan cặp, đan nón, đan vỏ chai rượu. Cọng lá buông dùng đan mành sáo chắn gió. Cành lá buông đập tơ lấy sợi đan thảm. Rừng Bình Tuy cũng có nhiều thú như voi, cọp, beo, heo rừng, nai...
Do có nhiều sông và gần bờ biển nên ở đây có nhiều người theo nghề đánh cá và làm nước mắm, ruộng muối.
Giao thông
[sửa | sửa mã nguồn]Quốc lộ 1 và liên tỉnh lộ 3 là những đường giao thông quan trọng nối liền Bình Tuy với các tỉnh khác. Sân bay có ở tỉnh lỵ Hàm Tân.